Ở Premier League mùa này, bên cạnh sự thăng hoa đến “điên rồ” của Leicester City, sự sa sút khó hiểu của Chelsea hay chuỗi phong độ hình sin của Manchester United, vẫn còn một điều thú vị đến từ tình hình nhân sự của các đội bóng. Chưa bao giờ sân cỏ nước Anh lại xuất hiện đồng loạt nhiều tài năng trẻ “cây nhà lá vườn” đến như vậy.
Việc những tài năng trẻ, những cầu thủ được coi là “mầm non” hay “ngọc thô” xuất hiện tại Giải ngoại hạng không còn là điều gì quá mới mẻ. Manchester United đã giành cú ăn ba năm 1999 với một đội hình là những tài năng “cây nhà lá vườn”. Liverpool thời hoàng kim cũng không hề kém cạnh với thế hệ Michael Owen hay Steven Gerrard. Arsenal cũng đã quá nổi danh với công tác đào tạo trẻ. Và còn rất nhiều những đội bóng trình làng những tài năng trẻ ra sân chơi ngoại hạng. Nhìn theo một khía cạnh khác, những ngôi sao nổi danh đều đã từng là một tài năng trẻ. Như vậy, việc một cầu thủ trẻ có năng lực bước ra sân cỏ không phải là điều gì quá lạ lẫm.
Điều khác biệt nằm ở vấn đề sử dụng cầu thủ của những đội bóng Anh. Lý do đầu tiên có lẽ đến từ sau những thất bại tại các giải đấu lớn, cùng với đó là việc Đức và Tây Ban Nha liên tục thăng hoa trên bản đồ bóng đá thế giới bằng lứa tài năng trẻ, bóng đá Anh đã bắt đầu chú trọng hơn đến công tác đào tạo và trọng dụng những viên ngọc thô. Lý do thứ hai là việc UEFA triển khai luật Công bằng tài chính khiến những đội bóng phần nào đó cân nhắn hơn trong việc chi tiêu. Lý do thứ ba đến từ sự thất bại của những bản hợp đồng bom tấn trong những mùa giải gần đây như Radamel Falcao, Angel di Maria, Fernando Torres, Andy Carroll,… cũng khiến các đội bóng dè chừng hơn trên thị trường chuyển nhượng.
Từ đó, chính sách nhân sự của những đội bóng tại Premier League đã bắt đầu đi theo xu hướng sử dụng cầu thủ trẻ tại lò đào tạo thay vì chỉ chú trọng mua sao như trước. Bên cạnh những ngôi sao lớn, những tài năng trẻ sẽ có “hạn sử dụng” lâu dài hơn, khả năng rủi ro về chuyên môn cũng thấp hơn và không tốn quá nhiều chi phí cho việc trả lương. Việc biến những sản phẩm tự đào tạo thành trụ cột cũng thể hiện được chất lượng đào tạo trẻ của một đội bóng.
Ví dụ điển hình như Manchester United tốn đến 266 triệu bảng sau 2 mùa giải mà vẫn chưa thể khởi sắc hoàn toàn từ những tên tuổi họ đưa về. Anthony Martial có giá 36 triệu bảng, thi đấu ấn tượng nhưng bản thân tiền đạo trẻ này không phải là một bom tấn. Riêng mùa giải này, Louis van Gaal đã trình làng một lứa tài năng trẻ với Marcus Rashford, Jesse Lingard hay Cameron Borthwick-Jackson, Timothy Fosu-Mensah,… Có thể Van Gaal không thành công khi chiêu mộ những ngôi sao lớn về Old Trafford, nhưng ông vẫn đáng được khen ngợi khi giới thiệu một thế hệ trẻ tài năng mới cho Quỷ Đỏ.
Bộ khung của đội tuyển Anh trong đợt triệu tập gần đây nhất xuất hiện nhiều tài năng trẻ mới nổi. Không ngạc nhiên nếu nhận ra sự có mặt của bộ ba Harry Kane, Eric Dier, Dele Alli (Tottenham). Harry Kane đã và đang trở thành chân sút hàng đầu giải Ngoại hạng trong 2 mùa giải qua, Eric Dier và Dele Alli trở thành “của hiếm” của bóng đá Anh nhiều năm trở lại đây. Bộ đôi Ross Barkley và John Stone của Everton đang là hàng hot trên thị trường chuyển nhượng.
Nhìn qua các đội bóng khác, ngay cả một đội bóng nổi tiếng ưu tiên dùng ngôi sao như Chelsea vẫn có đất cho một Ruben Loftus-Cheek đầy tiềm năng. Arsenal trình làng Alex Iwobi với nhiều hy vọng. Raheem Sterling – người đang thuộc biên chế Man City từng là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của Liverpool, còn bản thân “Lữ đoàn đỏ” cũng đang kỳ vọng những Jordon Ibe hay Joe Gomez sẽ vụt sáng như những gì Sterling làm được. Bộ đôi hậu vệ cánh Nathaniel Clyne – Luke Shaw đã tỏa sáng rực rỡ ở Southamton trước khi chuyển đến Anfield và Old Trafford.
Đã và đang có một cuộc cách mạng với dấu hiệu tích cực trong chính sách dụng binh của những đội bóng Anh.